Phản ứng Kristallnacht

Tại Đức

Phản ứng của người Đức ngoài Do Thái là đa dạng. Nhiều người tụ tập tại hiện trường, đa phần họ im lặng. Ở Berlin, trung úy cảnh sát Otto Bellgardt đã ngăn không cho đám lính SA đốt cháy giáo đường Neue Synagogue, khiến sĩ quan cấp trên của ông bị khiển trách.[41] Nhà sử học người Anh Martin Gilbert tin rằng "nhiều người bực bội với đám đông",[42] quan điểm này được nhân chứng người Đức Dr. Arthur Flehinger ủng hộ. Flehinger nhớ lại đã nhìn thấy những người "khóc khi đang chứng kiến từ phía sau bức rèm"[43] Mức độ thiệt hại là rất lớn, nhiều người Đức bày tỏ sự phản đối, và mô tả nó là điên rồ.[44]

Trong một bài viết công bố vào tối ngày 11 tháng 11, Goebbels quy cho Kristallnacht là sự thể hiện "bản năng mạnh mẽ" của dân tộc Đức. Goebbels giải thích: "Dân tộc Đức bài Do Thái và không muốn quyền lợi của nó bị hạn chế hay động chạm trong tương lai bởi chủng tộc Do Thái ký sinh."[45] Chưa đầy 24 tiếng sau vụ Kristallnacht, Hitler đã có một bài diễn thuyết kéo dài một giờ trước đám phóng viên, trong đó ông tìm cách khiến cho mọi người hoàn toàn lờ đi những sự kiện xảy ra gần đây. Theo Eugene Davidson lý do Hitler làm vậy là vì ông ta muốn tránh dính líu trực tiếp đến một vụ việc mà ông biết rất nhiều người hiện đang lên án, bất chấp lời giải thích không có sức thuyết phục của Goebbels rằng sự phẫn nộ của quần chúng là nguyên nhân gây ra Kristallnacht.[46]

Trong năm 1938, ngay sau cuộc bạo động, nhà tâm lý học Muller-Claudius đã phỏng vấn 41 đảng viên Quốc xã được lựa chọn ngẫu nhiên, về suy nghĩ và thái độ của họ đối với cuộc đàn áp chủng tộc. Kết quả 63% đảng viên bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng, trong khi chỉ có 5% ủng hộ, số còn lại không cho ý kiến hoặc lưỡng lự. Theo một nghiên cứu tiến hành vào năm 1933 có 33% đảng viên đảng Quốc xã không có thành kiến về chủng tộc, 13% ủng hộ việc đàn áp. Sarah Ann Gordon cho rằng có hai lý do có thể giải thích cho sự khác biệt này: cho đến năm 1938 đã có một số lượng lớn người Đức gia nhập đảng Quốc xã vì những lý do thực tiễn hơn là về mặt ý thức hệ, do đó tỷ lệ bài Do Thái giảm, và có thể các đảng viên đã từ bỏ chủ nghĩa bài Do Thái mà trước đó họ từng chấp nhận về mặt lý thuyết sau khi chứng kiến cái cách nó được thực thi cụ thể trong vụ Kristallnacht.[47] Trong sự kiện này một vài Gauleiter và phó Gauleiter đã từ chối lệnh tiến hành bạo động, và nhiều thủ lĩnh của SA và Đoàn Thanh niên Hitler cũng thẳng thắn từ chối các mệnh lệnh của đảng và bày tỏ sự ghê tởm.[48] Đã có một số người Quốc xã giúp đỡ người Do Thái.[48]

Khi nhận ra rằng quần chúng Đức không ủng hộ cuộc bạo động, Bộ Tuyên truyền đã chỉ thị cho báo chí mô tả đối tượng nhằm vào là những kẻ không trung thành, xảo quyệt.[49] Báo chí cũng được lệnh hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Kristallnacht, mô tả các sự kiện tổng quát chỉ ở cấp địa phương, cấm miêu tả các sự kiện nhỏ lẻ.[50] Đến năm 1939 lệnh này được mở rộng với việc cấm tường thuật bất kỳ hình thức bài Do Thái nào.[51]

Việc đại đa số quần chúng Đức không tán thành Kristallnacht được minh chứng phần nào qua hàng loạt báo cáo từ các nhà ngoại giao ở Đức.[52] Đại sứ Mỹ phát biểu:

Xét thấy một quốc gia toàn trị là một đặc điểm đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào cường độ và quy mô sự lên án của công dân Đức đối với các biến cố chống lại người Do Thái xảy ra gần đây.[53]

Cuộc bạo động Kristallnacht tác động đến quan điểm của quần chúng theo cách trái ngược với điều mà những người Quốc xã mong đợi, sự phản đối các chính sách chủng tộc của Quốc xã lên đến đỉnh điểm ngay sau đó, khi mà theo như hầu hết báo cáo đại đa số người Đức đều không chấp nhận các hành động bạo lực nhằm vào người Do Thái.[54] Ngày càng xuất hiện nhiều những lời kêu ca phàn nàn, một ví dụ là chi nhánh Duesseldorf của Gestapo ghi nhận thái độ bài Do Thái đã sụt giảm mạnh mẽ trong dân chúng.[55]

Những người Công giáo và Tin lành phản đối cuộc đàn áp chủng tộc. Giáo hội Công giáo đã phân phát các thư Pastoral (thư của mục sư gửi con chiên) trong đó phê phán hệ tư tưởng về chủng tộc của Quốc xã, và chế độ dự kiến sẽ gặp phải sự chống đối có tổ chức từ giáo hội Công giáo theo sau Kristallnacht.[56] Tuy nhiên giới lãnh đạo Công giáo, cũng như các giáo hội Tin lành khác, đã kiềm chế không phản ứng.[56] Trong khi những tín hữu đã hành động, thì các giáo hội của họ xét về mặt tổng thể lại chọn giải pháp im lặng.[56] Dù vậy, một số cá nhân đơn lẻ vẫn thể hiện lòng dũng cảm, như việc một giáo khu trưởng bị phạt một số tiền lớn cùng vài tháng ngồi tù vì thanh toán hóa đơn y tế cho những bệnh nhân ung thư người Do Thái vào năm 1941, và một nữ tu bị kết án tử hình năm 1945 vì giúp đỡ người Do Thái.[56]

Martin Sasse, đảng viên đảng Quốc xã và giám mục của Giáo hội Tin lành Luther tại Thuringia, thủ lĩnh của Kitô hữu Đức, một trong những phe ly giáo của giáo phái Tin lành Đức, đã công bố bản trích yếu các tác phẩm của Martin Luther không lâu sau vụ Kristallnacht; Sasse "ca ngợi việc đốt cháy các giáo đường" và đề cập tới sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian trong tựa mở đầu, "Vào ngày 10 tháng 11 năm 1938, ngày sinh của Luther, các giáo đường đang bốc cháy tại Đức." Ông kêu gọi dân tộc Đức lưu tâm đến lời nói này "của người vĩ đại nhất trong thời đại của ông ấy, người cảnh báo dân tộc mình chống lại người Do Thái."[57] Diarmaid MacCulloch biện luận rằng cuốn sách nhỏ của Luther năm 1543, On the Jews and Their Lies là một bản kế hoạch cho Kristallnacht.[58]

Cộng đồng quốc tế

Sau năm 1945 một số giáo đường đã được khôi phục lại. Đây là tấm bảng đặt tại một giáo đường ở Berlin gợi nhắc đến một vài sự kiện lịch sử, trong đó có Kristallnacht; gần cuối là dòng chữ "vergesst es nie" (không bao giờ quên)

Kristallnacht làm bùng lên sự phẫn nộ trên khắp thế giới. Sự kiện này mang đến tai tiếng cho phong trào Quốc xã ở châu ÂuBắc Mỹ, kết quả là tỉ lệ ủng hộ nó sụt giảm mạnh. Rất nhiều tờ báo lên án Kristallnacht, một số báo đã so sánh nó với các cuộc thảm sát do Đế quốc Nga kích động hồi thập niên 1880. Mỹ đã triệu hồi đại sứ của họ, trong khi một số quốc gia thì cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Chính phủ Anh phê chuẩn chương trình Kindertransport dành cho những trẻ em tị nạn. Như vậy, Kristallnacht đã đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Đức Quốc xã và phần còn lại của thế giới. Tính tàn bạo của vụ việc, và chính sách cố tình khuyến khích bạo lực khi nó đã bắt đầu của chính phủ Đức, đã vạch trần bản chất thô bạo và tư tưởng bài Do Thái lan rộng ăn sâu vào xã hội Đức và khiến dư luận thế giới quay lưng chống lại chế độ Quốc xã, với việc một số chính trị gia kêu gọi chiến tranh. Một cuộc biểu tình chống lại người Đức đã diễn ra vào ngày 6 tháng 12 năm 1938 theo sau Kristallnacht. William Cooper, một thổ dân Úc, dẫn đầu một phái đoàn thuộc Liên đoàn Thổ dân Úc tuần hành qua Melbourne tới tòa lãnh sự Đức để bày tỏ bản kiến nghị lên án "sự đàn áp tàn bạo nhằm vào người Do Thái của chính quyền Quốc xã ở Đức". Giới chức trách Đức từ chối tiếp nhận tài liệu đệ trình.[59]

Sau cuộc bạo động, Salvador Allende, Gabriel González Videla, Marmaduke Grove, Florencio Durán và một số thành viên khác của Quốc hội Chile đã gửi một bức điện đến Adolf Hitler tố cáo sự khủng bố nhằm vào người Do Thái.[60] Một phản ứng khác mang tính cá nhân nhiều hơn là bản oratorio A Child of Our Time của nhà soạn nhạc người Anh Michael Tippett năm 1939.[61]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kristallnacht http://trove.nla.gov.au/ndp/del/article/12062109 http://www.elclarin.cl/fpa/pdf/p_020605.pdf http://www.aish.com/holocaust/overview/Kristallnac... http://edition.cnn.com/WORLD/europe/9811/09/german... http://www.germannotes.com/hist_ww2_kristallnacht.... http://www.haaretz.com/hasen/spages/1032989.html http://www.historyplace.com/worldwar2/timeline/ena... http://www.israelnationalnews.com/News/news.aspx/1... http://www.kold.com/Global/story.asp?S=8269951&nav... http://www.oxforddnb.com/view/article/69100?docPos...